Nghĩ lại về “Pyeongsaengdo” (Bức tranh cuộc đời)

Lưu giữ khoảnh khắc hạnh phúc của đời người - Lee Sukyung (Curator, National Museum of Korea)

Vào triều đại Joseon (1392-1897), những hình ảnh hỷ sự trong đời người từ thuở thiếu thời đến khi già đi và những hình ảnh thể hiện con đường hoạn lộ từ khi ở chức quan nhỏ đến khi thăng tiến làm quan lớn đều được truyền tải thông qua những bức họa. Những hỷ sự mang tính cá nhân là tiệc thôi nôi, lễ cưới và lễ kỷ niệm 60 năm ngày cưới. Những hình ảnh về cuộc đời hoạn lộ là cảnh tiệc mừng đỗ Trạng nguyên Khoa cử, cảnh cưỡi trên lưng ngựa hoặc ngồi trên loại kiệu tương ứng với chức quan, hay cảnh khi về hưu và tận hưởng sự tự do tự tại. Các bức tranh về những cảnh này được vẽ trên 8 đến 12 tấm lụa dài hoặc giấy có chiều cao phù hợp với các bức bình phong tạo thành một nhóm. Xét về phong cách hội họa thì những bức họa được lưu truyền cho đến ngày nay được biết đến là đã được vẽ trong giai đoạn từ sau thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20, gồm 26 loại và phần lớn là theo từng nhóm gồm 8 bức. Truyền thống phân chia và vẽ lại thành nhiều cảnh khác nhau về các sự kiện quan trọng trong tiểu sử của các thánh nhân, chẳng hạn như Đức Phật và Khổng Tử, đã có ở Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản, nhưng những bức vẽ về phần lớn cuộc sống cá nhân của một người chỉ được tìm thấy ở Hàn Quốc. Các bức tranh này giúp cho thấy những khoảnh khắc hạnh phúc từ thời thơ ấu đến khi về già mà một người ở tầng lớp thượng lưu thời Joseon muốn tận hưởng là gì.

Bức tranh cho thấy nhiều điều nhưng cũng có nhiều điều cần suy ngẫm thêm

Là bức tranh về một sự kiện chúc mừng của cá nhân hoặc đoàn diễu hành của một quan chức cấp cao, trong tranh xuất hiện nhiều vật dụng và nhiều người đóng những vai trò khác nhau. Chúng ta có thể đoán được chi tiết hơn về cuộc sống ở triều đại Joseon vào thế kỷ 19 từ các bức tranh này. Chúng có giá trị quan trọng khi là những tư liệu trực quan truyền tải một cách sinh động tiệc thôi nôi, lễ kỷ niệm 60 năm ngày cưới, đoàn xe của Thừa tướng, lễ diễu hành bổ nhiệm Tổng đốc. Tuy nhiên, thật không may là có rất nhiều điều không rõ ràng khi tìm hiểu về các bức tranh này. Trước hết, chúng ta không biết tên gọi của chúng trong triều đại Joseon. Cái tên “Pyeongsaengdo” (Bức tranh cuộc đời) hiện đang được sử dụng chỉ có thể được xác nhận trong các ghi chép từ đầu thế kỷ 20. Cũng có thể đã không có cái tên nào để chỉ những bức tranh này vào triều đại Joseon. Các tác phẩm được viết bởi một quan văn cuối thế kỷ 18 là Yi Chae (1745-1820) sau khi xem 8 bức tranh liên quan đến cuộc đời của Seo Gansu (1734-?) khi còn đương chức đã được lưu truyền qua tuyển tập văn chương của ông. Từ những bài viết này, có thể biết được rằng đây là những bức tranh vẽ lại những cảnh liên quan đến cuộc sống quan chức, chẳng hạn như cảnh Seo Gansu học ở thư đường, chuẩn bị cho kỳ thi Khoa cử, đỗ đạt Trạng nguyên, được bổ nhiệm làm quan cấp thấp và quan cấp tỉnh, từ quan về hưu... Những cảnh này gần như giống với những cảnh về cuộc sống quan lại trong số những bức tranh mà ngày nay gọi là “Pyeongsaengdo”. Tuy nhiên, Yi Chae chỉ viết tiêu đề của bức tranh này là “Bức bình phong vẽ về Seo Gansu”. Điều này cho thấy khả năng là không có một cái tên cụ thể nào cho bức tranh này vào thời điểm đó.

Lý do cho sự kết nối giữa những nhân vật cụ thể hoặc họa gia cụ thể

Tuy nhiên, trong thế kỷ 20, những bức tranh này đã được gọi là “Pyeongsaengdo”, và được xem là những tác phẩm của Kim Hongdo (1745-sau 1806), một họa gia thuộc bộ phận vẽ tranh của triều đại Joseon và là một họa gia tiêu biểu cuối thế kỷ 18. Một trong số những bức bình phong này đã được đưa vào Viện bảo tàng vào đầu thế kỷ 20 dưới cái tên được đăng ký là “Pyeongsaengdo của Modang Hong Isang (1549-1615)” và lần này đã được phục chế kỹ thuật số. Trong tấm cuối của bức bình phong này có dòng chữ với nội dung rằng Kim Hongdo đã vẽ nó vào năm 1781. Tuy nhiên, thật không may rằng dòng chữ này không được viết dưới nét chữ của triều đại Joseon vào thế kỷ 19. Nó cũng cho thấy cách viết chữ Hán không được sử dụng trong triều đại Joseon. Trong triều đại Joseon, người ta dùng chữ Hán “畫” cho chữ “vẽ”, nhưng ở đây lại sử dụng cách viết theo tiếng Nhật là “畵”. Bởi vì đây chính là những dòng chữ được viết ra sau khoảng 100 năm kể từ thời của Kim Hongdo.

*Chú thích ảnh: Vì dòng chữ của tấm số 8 được viết sau khi hoàn thành bức bình phong nên đã bị xóa đi khi phục chế kỹ thuật số.

Và vì có chữ viết trên mỗi tấm của bức bình phong này nên chúng đã và đang được xem như một tiêu chuẩn tuyệt đối để đoán được nội dung của một bức tranh. Nét chữ này cũng khác so với thời điểm bức tranh được vẽ. Cần xem lại xem tiêu đề có phản ánh đúng ý đồ của họa gia hay không. Trong các cảnh vẽ về các sự kiện mang tính cá nhân, có thể hình dung được chúng vẽ những gì mà không cần sự trợ giúp của những dòng chữ, nhưng các bức vẽ từ tấm số 4 đến tấm số 7 đều được giới thiệu là vẽ về cuộc đời hoạn lộ với các chức là Hàn lâm học sĩ kiêm Thị thư, quan Tòng Nhị phẩm Ngự sử Songdo, quan Chính Nhị phẩm Thượng thư Binh bộ, quan Chính Nhất phẩm Tả Nghị Chính.. dựa trên các dòng chữ này. Các quan lại xuất hiện trong mỗi bức tranh đang cưỡi trên một chiếc kiệu hoặc xe ngựa tương ứng với cấp bậc được chỉ ra trong tiêu đề. “Ssanggyo” (kiệu song mã) trong tấm số 5 là xe ngựa mà quan Nhị phẩm trở lên như Tổng đốc có thể cưỡi, “Choheon” (kiệu một bánh) trong tấm số 6 là một chiếc kiệu mà các quan từ Tòng Nhị phẩm trở lên mới có thể đi. “Pyeonggyocha” trong tấm số 7 được sử dụng bởi các quan lại từ Tòng Nhất phẩm trở lên. Không nhất thiết phải gắn tên quan lại dựa vào các tiêu đề ghi trên mỗi tấm, vì cũng có thể bức tranh được vẽ là về viên quan được bổ nhiệm vào chức vụ khác nhưng đồng cấp. Nói cách khác, tấm số 7 có thể là bức vẽ về đoàn xe của Hữu Nghị Chính chứ không phải là Tả Nghị Chính. Vì vậy, không nên tin rằng tất cả các chữ viết trên bức tranh đều là thông tin giúp chúng ta hiểu thêm về chúng.

Sức lan tỏa của thông tin về bức bình phong đã được đăng ký tại viện bảo tàng này là rất lớn.Trong suốt thế kỷ 20, ai cũng tin và không hề nghi ngờ gì về việc bức tranh này chính là vẽ về cuộc đời của Modang Hong Isang. Đây là kết quả của việc nó được thừa nhận như là thông tin có độ tin cậy dù cho kiểu viết của dòng chữ với nội dung Kim Hongdo là tác giả không phải là kiểu viết ở thế kỷ 18. Tuy nhiên, vào đầu những năm 2000, xuất hiện nhiều ý kiến cho rằng những bức tranh này không liên quan đến cuộc đời của Hong Isang và không thể coi là tác phẩm của Kim Hongdo do sự khác biệt về phong cách. Trên thực tế, Hong Isang qua đời ở tuổi 67 và đã không thể đón những hỷ sự như là lễ kỷ niệm 60 năm ngày cưới. Ông đã từng đứng nhất bảng trong ba kỳ thi Khoa cử và đã làm đến chức Tòng Nhị phẩm Ngự sử của Songdo nhưng chưa từng được bổ nhiệm vào chức Thượng thư Binh bộ hay Tả Nghị Chính.

Một bức bình phong khác cũng được đưa vào bộ sưu tập của bảo tàng vào giữa thế kỷ 20 và được đặt tên là “Pyeongsaeongdo của Hong Gyehi (1703-1771)” (một quan văn giữa thế kỷ 18 của triều đại Joseon). Lý do là vì có một tờ giấy được dán ở mặt sau của bức bình phong với những dòng chữ như “Pyeongsaeongdo của Hong Gyehi, Giám sứ Pyeongan, Đại thần Nội các, lễ mừng thọ 60 tuổi” cùng với dòng chữ rằng đây là tác phẩm của Kim Hongdo. Từ sau đó, Hong Gyehi trở thành một nhân vật chính khác trong “Pyeongsaengdo”. Tuy nhiên, nội dung được viết trên tờ giấy này khác với nội dung được vẽ trong tranh. Hong Gyehi chưa từng làm Giám sứ Pyeongan hay Đại thần Nội các, cũng như chưa từng tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm ngày cưới. Như những gì đã xem xét ở trên, chất liệu và tác giả của những bức họa này đã được xác định bởi những dòng chữ trên tranh, mặc cho việc không thể xem đây là những thông tin chính xác về tác phẩm. ây là một ví dụ cho thấy các chữ được viết trên một bức tranh có ảnh hưởng tuyệt đối đến mức nào với việc đánh giá các bức tranh trong nghiên cứu về hội họa truyền thống. Tương tự, mặc dù “pyeongsaengdo” cung cấp rất nhiều thông tin và xuất hiện nhiều nhân vật cùng các vật dụng, nhưng rất khó để nắm bắt một cách chính xác nội dung của nó. Quá trình đặt tên tranh và định tên tác giả cho bức tranh này cũng thú vị như nội dung trong tranh vậy.

Sự liên quan đến Kim Hongdo – bậc thầy của dòng Tranh phong tục

Một ví dụ khác về một tác phẩm cùng loại này nằm trong bộ sưu tập của bảo tàng từ đầu thế kỷ 20 và còn được gọi là “Tranh phong tục được cho là của Kim Hongdo”. Những bức tranh thuộc thể loại “pyeongsaengdo” đã được xác định là tác phẩm của Kim Hongdo hoặc là bản sao từ bản gốc do Kim Hongdo vẽ. Mặc dù không có bằng chứng nào cho thấy Kim Hongdo là người vẽ loại tranh này đầu tiên, nhưng lý do nó được công nhận là tác phẩm của Kim Hongdo là vì Kim Hongdo được xem là một bậc thầy của thể loại tranh phong tục, người đặc biệt giỏi trong việc miêu tả các nhân vật và phong tục. Việc mua bán các tác phẩm tranh phong tục thuộc triều đại Joseon như là tranh của Kim Hongdo hoặc tranh được cho là của Kim Hongdo diễn ra thường xuyên không chỉ một hai lần ở nửa đầu thế kỷ 20 và hiện tại cũng vậy.

So sánh tác phẩm của ông với những “pyeongsaengdo” có thể nhận thấy rõ sự khác biệt. Trên bức bình phong 8 tấm mà ông vẽ vào năm 1778, ông đã đưa vào những khung cảnh sống động của cuộc sống như là hình ảnh đoàn xe của viên quan cấp cao theo “bố cục chữ Z” rất thoáng. Các “pyeongsaengdo” cũng đã sử dụng “bố cục chữ Z” này. Tuy nhiên, không giống như tác phẩm của Kim Hongdo, trong “pyeongsaengdo” cây cối và nhà cửa được đặt ở những vị trí để giữ ánh mắt người xem không ra khỏi khung hình, tạo nên bố cục dày đặc. Ngoài ra, về biểu cảm của nhân vật thì cũng tương tự nhau và không có sinh khí, khác hẳn với tranh của Kim Hongdo. Do đó, những bức tranh thuộc thể loại “pyeongsaengdo” không có mối liên hệ trực tiếp nào với Kim Hongdo.

Bức tranh điểm xuyết bởi những thành tựu cuộc đời thế tục

Quan điểm kết nối các bức tranh được đặt tên là “pyeongsaengdo” với những nhân vật cụ thể như Hong Isang và Hong Gyehi và một họa gia cụ thể là Kim Hong-do vẫn chiếm ưu thế. Người ta đã đặt ra giả thiết rằng, vào cuối thế kỷ 18, hậu duệ của Hong Isang đã giao cho Kim Hong-do việc thực hiện những “pyeongsaengdo” của Hong Isang để phô trương thanh thế gia môn, và những “pyeongsaengdo” còn lưu truyền đến nay của Hong Isang chính là bản sao lại do một hậu duệ khác của Hong Isang thực hiện ở nửa đầu thế kỷ 19 dựa trên các bản gốc vốn là tác phẩm của Kim Hongdo. Tuy nhiên, cách nhận định này không giải thích được vì sao các cảnh được vẽ không đúng với cuộc đời của Hong Isang. Bên cạnh đó, liệu hậu duệ của ông có thực sự muốn có những bức tranh miêu tả về cuộc đời hoạn lộ vinh hiển nhưng không liên quan đến sự thật về ông không? Những thành tựu được công nhận của Hong Isang ở thời đó không phải là việc làm quan lại cấp cao. Trong các ghi chép về cuộc đời ông, ông được đánh giá cao về sự trung thành và lòng hiếu thảo. Trong chiến tranh Nhật Bản – Triều Tiên, ông đã hộ tống Vua Tuyên Tổ lánh nạn đến Bình Nhưỡng và trong quá trình đó đã dâng sớ thể hiện lòng trung thành và yêu cầu xử tội những gian thần. Ông cũng rất hiếu thảo với cha mẹ của mình đến mức đã bất chấp nguy hiểm đi tìm mẹ trong cuộc xâm lược của Nhật Bản. Trong Biên niên sử của triều đại Joseon - ghi chép lịch sử chính thức nhất của triều đại Joseon, có nội dung ghi lại rằng nghĩa khí của ông được đánh giá rất cao. Như vậy, cuộc sống lý tưởng của một vị quan xuất thân từ một gia đình danh giá ở thời Joseon không chỉ là đạt được chức cao vọng trọng mà còn là thực hiện được và được người đời ca ngợi vì chữ “Trung” và chữ “Hiếu” - tư tưởng cơ bản của Nho giáo thời Joseon. Tuy nhiên, trong “pyeongsaeongdo” hoàn toàn không toát ra được những giá trị tinh thần đó. Nó chỉ chứa đựng những thành tựu thế tục.

Những bức tranh chứa đựng thành tựu thế tục được dùng bởi người nào?

Ai là người dùng đến những bức tranh phản ánh giá trị quan mưu cầu vinh hoa phú quý cá nhân này? Ý kiến chung đều cho rằng chúng được đặt hàng để nâng cao danh tiếng gia môn dựa trên nền tảng ý thức hệ thời bấy giờ cho rằng những gia môn nắm trong tay quyền lực chính là những danh gia vọng tộc. Vào thế kỷ 19, xu hướng độc chiếm các vị trí cấp cao của một số gia môn quyền lực ngày càng gia tăng. Thực tế là rất khó khăn để bước vào con đường hoạn lộ, đến mức không phải ai cũng được bổ nhiệm làm quan mặc dù thường phải rất vất vả để vượt qua kỳ thi khoa bảng ở độ tuổi trung bình ngoài 30. Do đó, ta hiểu được rằng bức tranh này hẳn đã được đặt hàng bởi số ít một vài gia đình quyền thế. Nhưng tôi lại có điều nghi ngờ rằng có phải đúng là vậy hay không? Liệu tầng lớp thượng lưu cao nhất, những người đã nắm trong tay quyền lực và phú quý có cần đến những bức bình phong phô bày một cách lộ liễu những thành tựu thế tục vậy không? Họ đã không cần phải mơ về cuộc sống của một vị quan cấp cao mà các “pyeongsaengdo” cố gắng thể hiện, bởi vì đó là cuộc sống mà họ đã có trong tay. Ngược lại, phải chăng những người muốn mua những bức tranh này là những người đã trở thành quý tộc khi địa vị được thăng tiến? Trong triều đại Joseon có chế độ cho phép mọi người nâng cao địa vị của mình bằng cách trả tiền cho Nhà nước. Thậm chí, có nhiều người đã giả mạo giấy tờ để cố gắng trở thành quý tộc. Nếu có tiền, còn có thể mua được các chức quan cấp thấp. Ở thế kỷ 19, nếu có năng lực về kinh tế thì có nhiều khả năng để trở thành quý tộc. Tất nhiên, thực tế là dù có trở thành quý tộc cũng không thể trở thành quan lại cấp cao được, nhưng chính ước vọng vươn lên thành quan lại cấp cao, sống thật lâu để tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm ngày cưới đã khiến những bức tranh này trở nên phổ biến.

Pyeongsaengdo” và những hạn chế trong xã hội Joseon

Mặt khác, nhìn những bức tranh tràn đầy hạnh phúc khi có được một được cuộc sống thế tục trong xã hội Joseon khiến tôi cảm thấy chua xót. “Pyeongsaengdo” phản ánh rõ thế kỷ 19 ở thời đại Joseon khi người ta có chung một giấc mơ thế tục giống hệt nhau là vươn lên chức cao và sống thật lâu. Vào thế kỷ 19, khi những bức tranh này phổ biến ở triều đại Joseon, châu Âu đang tiến vào một kỷ nguyên mới với cuộc cách mạng công nghiệp và sự phát triển của khoa học kỹ thuật. Tuy nhiên, ở triều đại Joseon, ngay cả những người mới được nâng cao địa vị cũng phải cố gắng để hòa nhập vào hệ thống hiện có hơn là mong cầu sự thay đổi. Tất cả những trí thức của Joseon không có mục tiêu nào khác ngoài ước mơ vượt qua các kỳ thi khoa bảng và được làm quan. Họ học và thuộc nằm lòng các bộ kinh Nho giáo tồn tại từ lâu đời để chuẩn bị cho kỳ thi khoa bảng chứ không phải để tiếp cận sâu sắc về mặt học thuật. Với tình hình như vậy, không thể nào trông đợi vào những sự chuyển biến để tìm kiếm sự thay đổi hay sự phê phán đúng đắn về hiện thực. Triều đại Joseon ở thế kỷ 19 đã bước vào một kỷ nguyên mới mà không thích ứng kịp với những thay đổi của thời đại. Nhìn vào “pyeongsaengdo”, chúng ta suy ngẫm về những bài học mà chúng ta nhận được từ thái độ thụ động trong việc ứng phó với sự đa dạng và thay đổi.